Tháp nhu cầu Maslow là một thuật ngữ khá quen thuộc đối với chúng ta. Vậy bạn có biết cụ thể tháp này nói về điều gì không? Làm cách nào để ứng dụng vào quản lý đội nhóm? Lưu ý gì khi sử dụng? Cùng UMM tìm hiểu tại bài viết này nhé.
Nội dung thuộc chuỗi Tips Quản Lý.
Nội dung bài viết:
Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Tháp nhu cầu Maslow là một lý thuyết tâm lý học của Abraham Maslow, được giới thiệu đầu tiên trong bài viết “A Theory of Human Motivation” xuất bản năm 1943. Sau đó vào năm 1954, Maslow đã hoàn thiện lý thuyết này trong cuốn sách của mình mang tên “Motivation and Personality”.
Theo lý thuyết của Abraham Maslow, nhu cầu của con người được xếp thành 5 bậc thang, từ nhu cầu cơ bản nhất ở bậc dưới cùng cho đến nhu cầu cao cấp hơn ở bậc trên cùng:
- Nhu cầu sinh lý: Bao gồm thức ăn, nước uống, không khí… để sinh tồn.
- Nhu cầu an toàn: Được bảo vệ khỏi nguy hiểm, có nơi ở an toàn, môi trường làm việc an toàn,…
- Nhu cầu xã hội: Kết nối với người khác.
- Nhu cầu tôn trọng: Được công nhận, đánh giá cao và được tôn trọng bởi bản thân và người khác như: sự tự tin, thành tích, địa vị,…
- Nhu cầu được thể hiện: Được phát huy tối đa tiềm năng, sáng tạo và đóng góp cho xã hội, phát triển bản thân, theo đuổi đam mê,…
Ứng dụng Tháp Nhu Cầu Maslow vào quản lý đội nhóm
Xác định nhu cầu của từng thành viên. Với cương vị là quản lý, bạn cần hiểu rõ nhu cầu của các cá nhân trong đội nhóm để tạo trải nghiệm nhân viên vượt trội. Dựa vào các nhu cầu này, hai bên trao đổi và tạo ra tương thích kỳ vọng giữa doanh nghiệp và nhân viên. Dựa vào đó để đáp ứng. Bạn có thể thu thập nhu cầu bằng cách phỏng vấn, trò chuyện trực tiếp 1:1 với nhân viên. Đối với đội nhóm đông (hơn 20 người), bạn có thể sử dụng bảng khảo sát để thu thập nhu cầu.
Đáp ứng nhu cầu của các thành viên. Dựa vào nhu cầu đã thu thập được trước đó, bạn tiến hành vận dụng thuyết nhu cầu của Maslow để đáp ứng nhu cầu của nhân viên. Lưu ý rằng, mỗi nhân viên có một mối quan tâm khác nhau, bạn cần hiểu rõ và đưa ra đáp ứng phù hợp. Dựa vào tháp nhu cầu Maslow, các nhu cầu cơ bản trong doanh nghiệp sẽ được chia như sau:
Nhu cầu sinh lý: Mức lương phù hợp, công việc phù hợp. Bạn cần quan tâm rằng nhân viên có hài lòng với mức lương hiện tại hay không, công việc có phù hợp với năng lực hay không. Thông thường, nhu cầu này đã được làm rõ ở bước phỏng vấn tuyển dụng.
Nhu cầu an toàn: Các chế độ chính sách cơ bản theo pháp luật như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, môi trường làm việc an toàn cần được doanh nghiệp đáp ứng. Nhu cầu này cũng được giải quyết ở bước phỏng vấn tuyển dụng, nếu nhân viên đồng ý với điều khoản của công ty.
Nhu cầu xã hội: Quản lý cần tạo cơ hội để các thành viên trong team giao tiếp, kết nối, xây dựng văn hóa đội nhóm tương trợ, đoàn kết. Ví dụ trong phòng marketing, công việc của nhân viên content sẽ liên quan đến thiết kế và video, vậy, họ phải trao đổi giao tiếp với Designer và Video Editor để công việc diễn ra trôi chảy.
Nhu cầu được tôn trọng: Khi nhân viên hoàn thành việc tốt hoặc tạo ra một thành tựu gì đó, quản lý cần chú ý khen thưởng, công nhận thành tích. Việc khen đúng lúc và phù hợp khiến nhân viên cảm thấy được tôn trọng. Đây sẽ là động lực để họ cố gắng phát triển hơn trong thời gian tới.
Nhu cầu tự thể hiện: Để đáp ứng được nhu cầu này, quản lý thực hiện trao quyền cho nhân viên. Khi nhận được một dự án hoặc công việc phù hợp, nhân viên có cơ hội phát huy năng lực của bản thân trong phần công việc đó, qua đó thể hiện được điểm mạnh của bản thân đối với đội nhóm và tổ chức. Quản lý cũng có thể tạo ra cơ hội để các thành viên đề xuất ý tưởng, sáng tạo trong công việc họ đang phụ trách.
Lưu ý khi áp dụng tháp nhu cầu Maslow
Nhu cầu không rập khuôn theo Maslow. Thứ tự và mức độ quan trọng của các nhu cầu có thể thay đổi tùy theo từng người, thời gian và hoàn cảnh. Ví dụ, một số người có thể coi trọng nhu cầu được tôn trọng hơn nhu cầu an toàn. Hoặc một số người khác coi trọng nhu cầu về lương hơn nhu cầu thăng tiến,…
Không phải lúc nào nhu cầu cũng tăng. Khi nhu cầu của một người được đáp ứng ở một mức độ nhất định, họ có thể không còn muốn tiếp tục tăng nhu cầu đó hoặc tiến đến nhu cầu cao hơn. Ví dụ, một người có thể hài lòng với mức lương hiện tại và không muốn được tăng lương; hoặc người khác chỉ muốn làm đúng công việc của mình và không có nhu cầu thể hiện.
Không nhất thiết phải đáp ứng hết nhu cầu của nhân viên. Trong doanh nghiệp, chúng ta không đủ nguồn lực để đáp ứng toàn bộ mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân. Do đó, quản lý cần trao đổi thẳng thắng với nhân viên và tạo ra tương thích kỳ vọng (giao thoa giữ kỳ vọng của nhân viên và kỳ vọng của doanh nghiệp) và đáp ứng nó là đủ để tạo nên trải nghiệm nhân viên vượt trội.
Bạn sẽ ứng dụng tháp nhu cầu Maslow vào quản lý đội nhóm như thế nào?
Trên đây là một vài thông tin về tháp nhu cầu Maslow và cách áp dụng để quản lý đội nhóm. Bạn ấn tượng với phần nào nhất? Bạn sẽ áp dụng nó như thế nào với đội nhóm hiện tại? comment phía bên dưới để cùng trao đổi với UMM bạn nhé.
Nội dung thuộc chuỗi Tips quản lý – nơi giúp bạn thu nhặt bí kíp quản lý hiệu quả.
Bài viết liên quan
Deep Work – Phương pháp làm việc dành cho quản lý
Quá tải công việc, email, mạng xã hội và những cuộc họp không
Th8
Quản lý đội nhóm với mô hình 6 sigma
Mô hình 6 Sigma là một phương pháp quản lý chất lượng tập trung
Th8